Chấp nhận và tôn vinh vẻ đẹp của sự bất toàn là cốt lõi của triết lý wabi-sabi. Là nền tảng cho xu hướng thiết kế nội thất thuận tự nhiên. Nếu là người quan tâm đến nội thất, chắc hẳn bạn ít nhiều đã từng nghe qua phong cách thiết kế wabi-sabi. Nhưng nó […]
Chấp nhận và tôn vinh vẻ đẹp của sự bất toàn là cốt lõi của triết lý wabi-sabi. Là nền tảng cho xu hướng thiết kế nội thất thuận tự nhiên.
Nếu là người quan tâm đến nội thất, chắc hẳn bạn ít nhiều đã từng nghe qua phong cách thiết kế wabi-sabi. Nhưng nó không đơn thuần chỉ là một xu hướng thiết kế mà còn gói ghém những giá trị nhân văn và sự chiêm nghiệm. Sở dĩ như vậy là bởi vì phong cách này được khởi sinh từ triết lý wabi-sabi – một tư tưởng hướng con người đến giá trị chân – thiện – mỹ từ sự chấp nhận và đề cao vẻ đẹp không hoàn hảo. Vậy đặc trưng của phong cách này là gì? Hãy cùng Trường Thắng tìm hiểu qua bài viết sau!
Mặc dù wabi-sabi chỉ mới nổi lên gần đây như một xu hướng thiết kế nội thất, nhưng bạn có biết triết lý sống hạnh phúc này đã có nguồn gốc từ văn hóa cổ đại Nhật Bản. Trong tiếng nhật ‘wabi’ được dùng để chỉ biểu đạt sự thanh lịch, mộc mạc, hoặc sắc thái đơn giản tự nhiên. Trong khi đó, ‘sabi’ đề cập đến giá trị của sự không hoàn hảo, hoặc những dấu ấn lịch sự gắn liền với tuổi tác. Khi ghép hai từ lại với nhau, ‘wabi-sabi’ thể hiện ý nghĩa về sự tìm kiếm giá trị nguyên bản, niềm vui đơn thuần từ mọi vật theo cách hiện hữu tự nhiên của chúng mà không phải bị ràng buộc bởi những nguyên tắc thẩm mỹ giáo điều.
Một trong những tuyên ngôn mang tính biểu tượng nhất của triết lý wabi-sabi là nghệ thuật kintsugi. Kintsugi được biết đến là một phương pháp vá những món đồ gốm bị vỡ bằng vàng. Những vật phẩm sau khi vá lại không chỉ không bị xấu đi mà còn trở nên đẹp đẽ một cách kỳ lạ. Người Nhật quan niệm rằng những nứt gãy của đồ vật là minh chứng cho giá trị lịch sử của đồ vật đó. Và chúng đáng được tôn vinh hơn là khỏa lấp hay bị thay mới.
Về mặt thiết kế, điều này có nghĩa là chấp nhận sự bất toàn. Đặt trong mối tương quan giữa đồ nội thất công nghiệp với sản phẩm tương tự được chế tác thủ công. Những món đồ làm bằng tay có thể có những lỗi nhỏ. Những lỗi này lại chính là yếu tố làm tăng thêm sự quyến rũ và cá tính riêng của chúng.
Còn gì không hoàn hảo một cách hoàn hảo hơn những thứ đến từ thiên nhiên? Một khía cạnh quan trọng của triết lý wabi-sabi có liên quan đến sự đơn giản tự nhiên. Thiên nhiên hiện hữu như một lời nhắc nhở chúng ta trong hành trình tìm kiếm vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong những gì không hoàn hảo. Kết cấu, đường nét hoa văn và hình thức thô mộc của những sản phẩm tự nhiên mang trong mình câu chuyện thời đại phù hợp với cốt lõi của triết lý wabi-sabi.
Tone màu đất và vật liệu hữu cơ là chìa khóa mở ra một sắc thái thuần tự nhiên. Các màu như xanh lá, xanh lam, màu nâu và màu xám mang đến cái nhìn tĩnh tại và điềm nhiên. Trong khi đó, sự xuất hiện của vật liệu tre, mây và gỗ lan toả phong vị ấm áp, lan toả cảm hứng giao hoà với thiên nhiên.
Theo quan điểm wabi-sabi, mọi gì bạn đưa vào nhà nên là sự phản ánh của thứ bạn yêu thích. Đừng lựa chọn món nội thất chỉ vì nó phù hợp với phong cách đang thịnh hành nào đó. Việc trang trí nội thất nên xuất phát từ trái tim với mục đích mang cho bạn niềm vui.
Theo nghĩa này, triết lý wabi-sabi thúc đẩy tính tự do trong thiết kế. Sẽ chẳng có vấn đề gì khi vật phẩm trang trí mà bạn thích có phù hợp với một phong cách nhất định hay không. Wabi-sabi khuyến khích những ý tưởng độc đáo vì vậy đừng ngại mix and match. Tuy nhiên wabi-sabi không cổ vũ việc bạn đưa đồ đạc vào nhà một cách vô tội vạ khiến không gian sống chật chội và bừa bộn.
Ý niệm trân trọng giá trị không hoàn hảo từ triết ký wabi – sabi mở ra một cách tiếp cận bền vững trong phương cách trang trí nhà cửa. Ở bước đầu tiên, bạn nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm có độ bền cao dù điều đó đồng nghĩa với việc nó sẽ tốn thêm một phần ngân sách của bạn. Khi một sản phẩm tự nhiên đó đạt đến điểm cuối trong vòng đời của nó. Hãy tin rằng sự sáng tạo của bạn sẽ giúp khai thác được giá trị sử dụng mới cho nó.
Hãy biến một bộ sofa da sờn rách hay sàn gỗ cũ trở thành tác phẩm nghệ thuật thể hiện dấu ấn cá nhân của bạn thay vì cố tìm cách thay mới chúng. Có thể bạn chưa biết, sàn gỗ kỹ thuật có khả năng tái hoàn thiện bề mặt và trở lại trạng thái mới mẻ ban đầu.
Một cái bát bị vỡ lại tạo ra cơ hội để bạn thoả sức thể hiện sự khéo tay của mình. Hay chiếc bàn lung lay cũng có thể được biến hoá trở thành kệ sách dã chiến. Tất cả phụ thuộc vào sức sáng tạo của bạn. Bạn cũng sẽ tìm thấy những niềm vui nho nhỏ, đơn thuần trong quá trình thay đổi chức năng của mỗi đồ vật.
Nguồn ảnh: nonagon.style
Xem thêm bài viết cùng thể loại: